1.Qua những truyền thuyết đã phân tích và trình bày với bạn đọc, chứng tỏ rằng:
Xã hội Văn Lang thời các vua Hùng có một nền văn minh đạt đến đỉnh cao của văn minh nhân loại thời cổ đại với một lãnh thổ rộng lớn: Bắc giáp Động Đình hồ, Tây giáp Ba Thục, Nam giáp Hồ Tôn, Đông giáp Đông Hải.

Những di vật khảo cổ từ nền văn minh đó chưa tìm thấy, hoặc sẽ không bao giờ tìm thấy. Nhưng điều đó không có nghĩa nền văn minh đó không tồn tại với sự vĩ đại như đã từng vĩ đại. Nền văn minh kỳ vĩ của Văn Lang – kết quả của sự kết hợp bởi sức mạnh của vũ trụ với tinh hoa trí tuệ của con người Lạc Việt – đã không để lại cho hậu thế những công trình đồ sộ pha máu, nước mắt và sự khổ cực của con người như Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành... một thời làm kinh ngạc nền văn minh của thế giới hiện đại. Nhưng nền văn minh đó đã để lại những giá trị tri thức vô cùng to lớn, cho đến tận bây giờ con người hiện đại vẫn đang còn sử dụng trong thực tế. Đó là thiên văn, lịch pháp và cả một nền y học Đông phương đồ sộ... Cùng với nền văn minh đó là những giá trị tư tưởng của nền văn hiến nhân bản đầy mơ ước của nhân loại, kể từ khi con người tự nhận thấy giá trị của mình trong vũ trụ, đó là tình yêu con người. Chính những giá trị nhân bản và tình yêu con người trong nền văn hiến Văn Lang là nguyên nhân cho sự tồn tại gần 3000 năm của đất nước Văn Lang. Hàng ngày bạn đang tiếp xúc với nền văn minh từ thời Hùng Vương dựng nước. Ngay bây giờ khi bạn đang ngồi bên cạnh tất cả những phương tiện hiện đại mà bạn có, chỉ cần bạn gỡ một tờ lịch vào mỗi buổi sáng, thì bạn đã tiếp xúc với cả một quá khứ của dân tộc Việt Nam. Nền văn minh đó, khiêm tốn đến với bạn mỗi ngày qua hàng chữ Âm lịch.
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/5/53/%C4%90%E1%BB%81n_t%C6%B0%E1%BB%9Fng_ni%E1%BB%87m_H%C3%B9ng_King_t%E1%BA%A1i_qu%E1%BA%ADn_9.JPG

Xã hội Văn Lang đã bị tàn phá. Kho tàng đồ sộ của nền văn minh Văn Lang lần lượt trở thành chiến lợi phẩm của những triều đại phong kiến đô hộ. May mắn thay! Chiếc chìa khóa để mở kho tàng đó không thuộc về kẻ chiến thắng. Những thành tựu của nền văn minh Văn Lang đã hình thành với trái tim, khối óc của người Lạc Việt trải gần 3000 năm lịch sử sẽ trở thành đổ cổ trong viện bảo tàng lịch sử tiến hóa của nhân loại.
Viết cuốn sách này về xã hội Văn Lang – một thời đại đã lùi sâu vào quá khứ – người viết không đem lại một cái gì mới, mà chỉ mong được chia sẻ cùng bạn đọc sự tâm đắc với tiền nhân khi truyền lại cho con cháu từ thuở các vua Hùng dựng nước cho đến tận bây giờ, khi cả thế giới đang bước vào thiên niên kỷ mới.
Nước Việt Nam có gần 5000 năm văn hiến

2.Voi chín ngà – Gà chín cựa - Ngựa chín hồng mao
Và cột đá thề của An Dương vương

Điều kiện mà vị hoàng đế cuối cùng của dòng họ Hồng Bàng – đồng thời là vị vua cuối cùng của thời Hùng Vương thứ XVIII – đưa ra để có thể cưới được công chúa (tức trao Vương quyền) là sính lễ phải gồm:

“Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Đây chính là những biểu tượng cô đọng nhất cho những giá trị của nền văn hiến Văn Lang – kết quả của nền văn minh Văn Lang được tạo lập qua hàng thiên niên kỷ – mà vua Hùng yêu cầu người kế vị có trách nhiệm gìn giữ. Đó là:

@ Voi chín ngà: là hình tượng của 5 dạng tồn tại ban đầu của Vũ trụ theo quan niệm của thuyết Âm Dương Ngũ hành là: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và 4 trạng thái tương tác của nó (Tứ tượng) là: Tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ. tổng cộng 9. Đây là sự cấu thành căn bản của hệ tư tưởng vũ trụ quan thời Hùng, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tất cả mọi giá trị tinh thần trong xã hội Văn Lang.

@ Gà chín cựa: Kê nghi – đã được nhắc tới trong Hồng phạm cửu trù. Đây là những thành tựu của nền văn minh Văn Lang đã tạo dựng với một thời gian bằng nửa lịch sử nhân loại, kể từ khi quốc gia đầu tiên của loài người được thành lập - được thể hiện trong việc quan sát vũ trụ, tìm ra qui luật những hiệu ứng vũ trụ và sự ứng dụng trong cuộc sống, xã hội và con người được bắt đầu bằng Lạc thư – Hà đồ cửu cung.

@ Ngựa chín hồng mao: ngựa là phương tiện chinh chiến, hình tượng của sự thống trị, lãnh đạo. Ngựa chín hồng mao là hình tượng của Cửu trù Hồng phạm: những giá trị của một nền chính trị nhân bản trong thế giới cổ đại mà những con người ở thời ấy phải mơ ước, đã được nhắc tới rất nhiều trong các trước tác của Nho giáo. Trong câu chuyện, vua Hùng đã gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh là hình ảnh thể hiện sự chọn giải pháp trao quyền cho người kế vị, để tiếp tục gìn giữ những giá trị tinh thần cuả tổ tiên mà dòng họ Hồng Bàng đã dày công tạo dựng.

Giải mã truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh” đã góp phần chứng tỏ trên thực tế lịch sử, vua Hùng truyền ngôi cho Thục Phán như truyền thuyết đã nói đến. Tuy Thục Phán không thuộc họ Hồng Bàng (hình tượng con rể trong truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”), nhưng ông đã có công cùng các tộc Việt chống lại sự xâm lược của vua Tần. Sơn Tinh trong truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh” chỉ là một hình tượng không liên quan đến Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn, con rể thực sự của vua Hùng cuối cùng trong thời Hùng Vương thứ XVIII, người đã dàn xếp cuộc chiến Thục Phán - Hùng Vương. Phải chăng, việc làm của ngài nhằm bảo vệ những thành tựu văn hóa của người Lạc Việt trải gần 3000 năm văn hiến, điều này sẽ giải thích vì sao ngài là một trong bốn vị thần hộ quốc của người Lạc Việt. Việc truyền ngôi này phù hợp với truyền thống của các thời đại vua Hùng đã trình bày ở trên (Tổ chức xã hội Văn Lang). An Dương Vương đã dựng cột đá thề. Cho đến nay vẫn còn di tích ở đền Hùng Phú Thọ, nguyện gìn giữ cơ nghiệp tổ tiên và những giá trị của nền văn hiến lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng tiếc thay! Ngài đã không thực hiện được lời thề. Âu Lạc đã mất về tay Nam Việt.
Hình ảnh mặt biển mở rộng đón An Dương Vương đứng trên lưng thần Kim Quy đi xuống biển, đã chứng tỏ rằng: khi Âu Lạc mất nước đã khép lại một thời kỳ lịch sử vàng son của nền văn minh Văn Lang mà thần Kim Quy chính là biểu tượng cho nền văn minh đó.

3.Trầu Cau và lãnh thổ Văn Lang

Từ việc sử dụng trầu cau như một nghi lễ trong quan hệ xã hội đến thói quen ăn trầu của cả một dân tộc, thì phải được định hình qua hàng thiên niên kỷ (trong “Việt sử lược” ghi nhận việc bỏ thuế trầu cau vào thời Ly, đã chứng tỏ việc sử dụng trầu cau rất phổ biến). Thói quen ăn trầu này còn phổ biến ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt là ở Đài Loan hiện nay mà vị trí vĩ tuyến ở gần Động Đình Hồ. Sách “Lĩnh Ngoại Đại Đáp” của Chu Khứ Phi người đầu đời Tống soạn vào thế kỷ 12 chép rằng:



Từ Phúc Kiến, miền dưới Tứ Xuyên, miền Tây tỉnh Quảng Đông, đều có tục ăn trầu... (Theo Cau trầu đầu truyện, Phạm Côn Sơn. Nxb Đồng Tháp 1994).

“Phúc Kiến” tức là miền dưới Triết Giang của nước Việt cũ; “miền dưới Tứ Xuyên” tức Quý Châu cũ; “Quảng Đông” tức là miền Giao Châu cũ, tất cả đều thuộc lãnh thổ Văn Lang ngày xưa theo truyền thuyết. Hiện tượng này chỉ có sự giải thích hợp lý là: Lãnh thổ Văn Lang đã bao trùm phần miền Nam Trung Quốc ngày nay như truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” đã nói tới: “Bắc giáp Động Đình Hồ, Tây giáp Ba Thục, Nam giáp Hồ Tôn, Đông giáp Đông Hải”. Do đó, khi lãnh thổ bị thu hẹp thì những người dân ở vùng đất thuộc Văn Lang cũ vẫn giữ được thói quen ăn trầu trải đã hàng ngàn năm, mặc dù phần nghi lễ dựa trên miếng trầu quả cau đã bị xóa bỏ vì Hán hóa. Như vậy, đây là một trong những nét minh họa sắc sảo nhất cho biên giới Văn Lang theo truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”.
Trong khi đang viết cuốn sách này thì tập san Kiến thức ngày nay số 283 phát hành ngày 10 – 06 – 98 có bài báo “Quan niệm về cái đẹp ở xứ Hoa Anh Đào” (người giới thiệu bài báo: Đoan Thư – theo The East) nói về quan niệm của phụ nữ Nhật về vẻ đẹp của họ. Do bài báo có liên quan đến phong tục của thời Hùng Vương, xin được trích dẫn ở đây để bạn đọc tham khảo:
Ngay trong lời giới thiệu bài viết đã có đoạn:

Thật bất ngờ khi khám phá rằng người phụ nữ Nhật hồi xưa cũng như phụ nữ Việt Nam cách đây cả trăm năm, đều thích nhuộm răng đen và hơn nữa họ còn khoái xăm mình!

Trong bài có đoạn viết:
“Nhuộm răng đen là dấu hiệu cho thấy quí bà đó thuộc tầng lớp thượng lưu và người ta cho rằng tục nhuộm răng ở xứ Phù Tang có nguồn gốc từ Đông Nam Á chứ không phải Trung Hoa.
Phong trào nhuộm răng đen lan mạnh đến thế kỷ 11, thời Nhật Hoàng Shirakawa (1072 - 1086). Phái nam thuộc giới quí tộc không những nhuộm răng mà còn “đánh má hồng”.

Tục ăn trầu, nhuộm răng đen và xăm mình đã có từ trước thời Hùng Vương thứ VI ở Văn Lang, cho đến ngay bây giờ vẫn còn có một số người lớn tuổi ở miền Bắc nhuộm răng đen, chứ không phải cách đây hàng trăm năm như tác giả bài viết đã nói. Hiện tượng phụ nữ nhuộm răng đen ở Nhật Bản và tục ăn trầu của người Đài Loan, nếu như không thể giải thích bằng bề dầy của thời gian gần 3000 năm và một lãnh thổ đến tận bờ Nam sông Dương Tử của Văn Lang, thì chỉ còn cách giải thích đó là do ý muốn của thượng đế.

Cây trầu, cây cau và cuộc sống định canh định cư với nền nông nghiệp phát triển trong xã hội Văn Lang

Người Việt thời Hùng Vương chỉ có thể xây dựng cho mình một nền văn minh trên nền tảng của cuộc sống định canh, định cư và sự phồn vinh của nông nghiệp. Sự dư thừa của sản phẩm nông nghiệp, sau khi hoàn tất cho nhu cầu của những người làm ra nó, là điều kiện tối thiểu để tồn tại những người sống bằng nghề phi nông nghiệp khác. Đó là những học giả, những người luyện kim, nhà buôn,... Sự hiện diện của cây cau, lá trầu theo quyết định của vua Hùng, được trồng phổ biến khắp nơi đã chứng tỏ điều này (tất nhiên chỉ có thể trồng được ở những vùng có điều kiện địa lý thích hợp). Việc trồng một thứ cây không phải cây lương thực, mà hoàn toàn chỉ là nhu cầu nghi lễ một cách phổ biến từ trước thời Hùng Vương VI, đã chứng tỏ ngành nông nghiệp phát triển và người ta có thể quan tâm đến một thứ sản phẩm phục vụ cho nhu cầu văn hoá. Hiện tượng này chứng tỏ tổ tiên người Việt đã có một nền nông nghiệp phát triển, ít nhất là trước thời Hùng Vương thứ VI tức là khoảng hơn, kém 2000 năm tr.CN. Do đó, có thể khẳng định: dân tộc Việt có nền nông nghiệp hình thành và phát triển sớm nhất thế giới.
Để minh họa cho luận điểm này, xin được dẫn lại một đoạn trong bài “Tia sáng mới rọi và một quá khứ bị lãng quên” của tiến sĩ Wilhelm G.Solhelm II là giáo sư nhân chủng học ở trường đại học Hawaii chuyên nghiên cứu về thời tiền sử Đông Nam Á. Bài viết này đã được in trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (sách đã dẫn). Sau đây là đoạn miêu tả sự phát hiện của tiến sĩ Wilhelm G.Solhelm II tại một di chỉ khảo cổ ở vùng biên giới Đông Bắc Thái Lan (tức là phần lãnh thổ hoặc giáp giới lãnh thổ của Văn Lang cũ, người viết).

Trong một chỗ đất rộng chừng 2,5cm2 có một mảnh đồ gốm in vết vỏ của một hạt lúa có niên đại muộn nhất là 3600 tr.CN. Như vậy có nghĩa là trước cả ngàn năm so với những hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Hoa cũng được xác định bằng phương pháp cacbon (mà trước đây dựa vào đó các nhà khảo cổ cho rằng con người tại đây biết trồng lúa trước tiên).

Cuộc sống định canh, định cư đã được hình thành chứng tỏ cho sự phát triển của nền nông nghiệp. Sự hiện diện của cây trầu, cây cau trong đời sống văn hóa của người Việt chứng tỏ điều này. Bởi vì, đó là loại cây có ít nhất 3 năm để bắt đầu cho trái và sử dụng sản phẩm của nó hàng chục năm về sau, được trồng khắp nước ở những vùng địa lý thuận lợi. Đây chính là hiện tượng minh chứng cho cuộc sống định canh, định cư và một nền nông nghiệp phát triển ở khắp lãnh thổ Văn Lang. Người ta không thể trồng một loại cây lâu năm với một lối sống du canh, du cư.

Khả năng trao đổi sản phẩm văn hoá

Việc trồng cây trầu và cau trên khắp một vùng lãnh thổ rộng lớn với những điều kiện địa lý khác nhau, thích hợp hoặc không thích hợp với sự phát triển của loại cây này là điều không thể thực hiện. Nhưng với quyết định của vua Hùng sử dụng trầu cau trong cả nước để thực hiện những nghi lễ trong quan hệ xã hội, thuộc những vùng chịu ảnh hưởng của nền văn minh chính thống. Tất yếu phải có trao đổi sản phẩm từ những vùng địa lý có khả năng trồng được và trồng nhiều trầu và cau, đến những vùng không thể trồng được cây này. Như phần phân tích truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” đã trình bày về sự phát triển của việc trao đổi sản phẩm tiêu dùng từ trước thời Hùng Vương thứ VI. Với truyền thuyết Trầu Cau thì sự trao đổi sản phẩm không còn giới hạn ở sản phẩm tiêu dùng, mà đã xuất hiện sự trao đổi sản phẩm văn hóa. Đó chính là trầu cau được trao đổi với tư cách là sản phẩm văn hóa, trước khi là một sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng do thói quen ăn trầu. Vậy ngoài những sản phẩm văn hóa được trao đổi trên thực tế là trầu cau đã chứng minh ở phần trên, thì người Việt thời Văn Lang còn trao đổi những sản phẩm văn hóa khác nữa hay không, khi những nhu cầu văn hóa đã xuất hiện? Khả năng trao đổi những sản phẩm văn hóa và trí tuệ hoàn toàn có thể có. Như phần trên đã trình bày: xã hội Văn Lang đã có một hệ thống ý niệm vũ trụ quan hoàn chỉnh của thuyết Âm Dương Ngũ hành với sự ứng dụng trong mọi lĩnh vực liên quan đến con người và cuối cùng là văn học nghệ thuật (riêng phần văn học nghệ thuật thời Hùng, xin được chứng minh rõ hơn qua truyền thuyết kể lại về: Chuyện tình Trương Chi, Thạch Sanh, Mỵ Châu – Trọng Thủy và phần huyền thoại của truyền thuyết Trầu Cau). Do đó, tất yếu xã hội Văn Lang phải có sự truyền bá kiến thức để bảo đảm sự duy trì và phát triển của nền văn minh. Nhưng phương tiện chuyển tải kiến thức dưới thời Hùng Vương là gì?

Phương tiện ghi nhận – chuyển tải tri thức trong thời Hùng Vương

Ngành khảo cổ học Trung Hoa đã phát hiện được những mảnh xương thú, mai rùa trên đó có khắc chữ viết ở Ân Khư thủ đô nhà Ân Thương. Hiện tượng này là bằng chứng cho thấy: trước khi tìm ra giấy, những nền văn minh cổ ở những vùng khác nhau trên thế giới đã ghi văn tự lên da, xương thú, trên đá... Tất cả những phương tiện đó, đều chứng tỏ một nền văn minh có thể chưa phát triển với những kiến thức còn đơn giản, hoặc sự phổ biến kiến thức còn hạn chế. Nhưng với một khối lượng tri thức lớn như dưới thời Hùng Vương đã trình bày ở trên và nhu cầu phổ biến trên một lãnh thổ rộng lớn – lại ở một xã hội nông nghiệp định canh, định cư ổn định – thì lấy đâu ra một lượng da, xương lớn để làm phương tiện chuyển tải chữ viết?
Dấu ấn xưa nhất chứng tỏ phương tiện chuyển tải tri thức của nền văn minh Văn Lang, chính là mai con rùa. Điều này đã được nói tới trong sách Thông Chí của Trịnh Tiều về việc tặng lịch cho vua Nghiêu. Những dấu ấn của nền văn minh Văn Lang thời đầu lập quốc được minh chứng từ những cổ thư Trung Hoa, cũng được phát hiện trên lưng rùa (Lạc thư, Hồng phạm). Hiện tượng này chứng tỏ vào thời đầu lập quốc, các học giả Văn Lang đã sử dụng mai rùa để ghi lại những tri thức của mình. Điều kiện tự nhiên đã tạo cho nền văn minh Văn Lang thực hiện điều này, “giống rùa lớn chỉ có ở miền Nam sông Dương Tử”. Nhưng với sự phát triển của nền văn minh, nhu cầu trao đổi tri thức ngày càng nhiều, thì việc sử dụng mai rùa làm phương tiện chuyển tải, tất yếu sẽ không phải là một hiện tượng phổ biến.
Phải chăng, việc sử dụng tre để khắc chữ của người Trung Hoa sau này bắt đầu từ văn minh Văn Lang, khi ở đất nước này hoàn toàn có đầy đủ những nhu cầu và điều kiện để thực hiện. Đó là từ phía Nam Động Đình Hồ đến hết biên giới phía Nam Văn Lang là quê hương của tre nứa. Nếu như từ thuở hồng hoang trước thời lập quốc, người Bách Việt có sử dụng xương thú hoặc mai rùa để khắc chữ, thì từ khoảng ngót 1000 năm sau thời lập quốc với một nền văn minh phát triển, việc chuyển từ xương thú hay mai rùa qua tre nứa, không phải là môt việc đòi hỏi những tư duy phức tạp hơn việc làm ra chiếc bánh chưng, bánh dầy. Lúc này rùa chỉ còn là một biểu tượng của phương tiện chuyển tải tri thức của nền văn minh Văn Lang mà dấu ấn còn để lại đến bây giờ, như là một sự tri ân loài linh vật đầu tiên phụng sự cho nền văn minh Lạc Việt. Chính vì biểu tượng con rùa này trong truyền thuyết và huyền thoại, là phương tiện để con cháu người Lạc Việt tìm lại dấu ấn của tổ tiên mấy ngàn năm trước.

Để bạn đọc khỏi lật lại trang sách, xin được trích lại đoạn sau đây trong sách Kinh Dịch – Cấu hình tư tưởng Trung Quốc (sách đã dẫn, trang 590), chúng tỏ điều này:
Đồng thời cũng có khoa đẩu văn (gọi như vậy vì chữ được viết bằng những que chấm sơn trên thẻ tre, hay thẻ gỗ), nét sơn không đều hình con nòng nọc.

Như vậy, đoạn nói về những di vật đào được ở Ân Khư trích dẫn trên, đã chứng tỏ rõ nét phương tiện chuyển tải chữ viết của ông cha ta, khi chữ khoa đẩu – là chữ của người Việt có từ hơn 2000 tr.CN. (sách Thông Chí, đã dẫn) – được viết bằng sơn trên tre nứa. Điều này cũng chứng tỏ rằng từ gần 2000 tr.CN, ông cha ta đã sử dụng sơn để viết chữ trên tre, gỗ chứ không phải khắc trên tre, gỗ như người Trung Hoa sau này.

Giấy – một khả năng đã xuất hiện dưới thời Hùng Vương?

Trong số những tranh dân gian của làng tranh Đông Hồ còn để lại đến ngày nay, có rất nhiều bức tranh có liên hệ với những giá trị tư tưởng có từ thời Hùng Vương, mang những dấu ấn của một nền minh triết Lạc Việt, cội nguồn của văn minh Đông phương, như các tranh: Thầy đồ Cóc; Nhân Nghĩa (bé ôm Cóc); Lễ Trí (bé ôm Rùa)... Sự hiện tồn của những bức tranh trên, khó có thể cho rằng nó được thể hiện những giá trị văn hoá lưu truyền từ thời Hùng Vương, trên một phương tiện xuất hiện sau đó là giấy Gió. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở để đặt vấn đề cho rằng: người Lạc Việt đã làm ra giấy và những bức họa dân gian đã có từ thời Hùng Vương. Lịch sử làng tranh Đông Hồ có từ hơn 400 năm nay. Nhưng trước đó thì người Việt chắc chắn cũng đã có tranh. Tức là trước khi các nghệ nhân xứng đáng được sự tôn trọng của người Việt tụ tập ở làng Đông Hồ, để gây dựng thành một làng tranh nổi tiếng. Họ đã vẽ những bức tranh trên những tờ giấy gió là một sản phẩm độc đáo của Việt Nam. Từ việc giã cây Quang Lăng để lấy bột làm lương thực vào thời kỳ đầu lập quốc của Văn Lang (gần 3000 năm tr.CN), cho đến việc giã cây gió để làm ra thứ giấy Gió nổi tiếng thì khoảng cách thời gian là bao lâu? Phải chăng hình ảnh trên trống đồng được coi là người đọc văn bản đang cầm một tờ giấy, khi hình vẽ thể hiện nếp uốn ở phía trên? (hình trang 93). Ý tưởng cho rằng hình người trên trống đồng đang đọc văn bản viết trên giấy được tiếp tục minh chứng ở mục “Y phục thời Hùng Vương” trong phần sau.
Giả thuyết về khả năng trong thời Hùng Vương ông cha ta đã làm ra giấy được củng cố qua sự so sánh giữa hai hình sau đây.
Hình bên được chép lại từ trống đồng Hoàng Hạ, được các nhà nghiên cứu cho rằng đây là hình giã gạo. Ở trên đầu hai nhân vật là hai con chim mỏ ngắn thuộc loài chim có thể ăn hạt. Đây là biểu tượng của sự giã gạo hoặc ngũ cốc.
So với hình bên được chép lại từ cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (sách đã dẫn), chú thích trong sách là hình “Nam nữ giã gạo”. Nhưng những ai đã xem bộ phim “Sân trăng”, được đài truyền hình chiếu vào khoảng đầu năm 98 – là một bộ phim có nội dung miêu tả lịch sử và sinh hoạt của các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, thì thấy nó giống cảnh hai người giã cây gió làm giấy hơn. Hơn nữa, trên đầu gậy lại có họa hai hình chữ nhật. Phải chăng, đó là biểu tượng thể hiện sản phẩm giấy họ sẽ làm ra sau khi giã xong cối bột gió?
Những hình tượng này chỉ là cơ sở của một giả thuyết về khả năng thời Hùng Vương đã làm ra giấy, không phải là yếu tố để minh chứng cho giả thuyết này.
Như vậy, với dấu ấn của trầu cau trong hôn lễ của người Lạc Việt và tục ăn trầu tồn tại hàng ngàn năm ở vùng nam sông Dương Tử, và đến tận bây giờ ở Đài Loan, đã chứng tỏ rằng:
@ Ngay từ trước thời Hùng Vương thứ VI, Văn Lang đã là một xã hội có những dấu ấn chứng tỏ sự hoàn chỉnh của một nền văn minh phát triển. Nếu không phải là sớm nhất và hơn hẳn so với các vùng khác trên thế giới, thì cũng là tương đương với những nền văn minh kỳ vĩ khác của thế giới cổ đại, mà di tích còn lại của những nền văn minh đó, đã gây ra sự kinh ngạc trong xã hội hiện đại.
@ Chứng tỏ một nền văn minh nông nghiệp phát triển cao và tồn tại hàng ngàn năm ở miền nam sông Dương Tử. Bởi vì, phải có một bề dày trải hàng ngàn năm của thói quen ăn trầu; thói quen đó phải được
bảo trợ bằng quyền lực trong một xã hội cao cấp có tổ chức chặt chẽ và được hình thành trong một cuộc sống ổn định rất lâu dài, mới có thể để lại dấu ấn qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử trong thời Bắc thuộc và cho đến tận bây giờ.
Thật đáng trân trọng thay! Khi thấy những đám cưới của người dân Lạc Việt – cho đến tận bây giờ, vẫn trân trọng những truyền thống của tổ tiên – lại có mâm cau, lá trầu:biểu tượng cho sự phú túc, nồng thắm và thuỷ chung của tình yêu con người với sự ấn chứng thiêng liêng của tổ tiên!





أحدث أقدم

Bạn nên xem thêm bài này: