Trên sườn núi Nghĩa, dưới mái đền Hùng, trong buổi gặp gỡ các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị tiến vào giải phóng thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hồ Chủ Tịch đã nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua đoạn đường dài hàng ngàn năm lịch sử, cuộc sống của dân tộc ta đầy hi sinh gian khổ nhưng cũng đầy khí phách anh hùng, có những lúc lầm than tủi nhục nhưng cũng có những lúc vinh quang chói lọi.

      Thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ cách đây hàng ngàn năm, tổ tiên chúng ta đã chung sức chung lòng, khai sơn phá thạch; mở lối, đắp nền; chiến thắng thiên tai, dã thú, bệnh tật, tạo dựng cơ nghiệp, thêu dệt nên giang sơn gấm vóc chúng ta. Từ đời này qua đời khác, các vua Hùng đã dựng lên nhà nước Văn Lang đánh dấu bước phát triển lớn lao, có ý nghĩa đặc biệt của lịch sử Việt Nam, mở đầu thời kì dựng nước và giữ nước, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của dân tộc.



      Lịch sử thời đại Hùng Vương, các bộ chính sử xưa đã dựa chủ yếu vào dã sử hoặc truyền thuyết dân gian. Hiển nhiên truyền thuyết dân gian không phải là lịch sử nhưng truyền thuyết  bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở một sự thật lịch sử nào đó. Lĩnh Nam Chích quái trong “Hồng Bàng tự truyện” đã coi Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên đã có công dựng nước. Theo truyện này thì cháu ba đời của Viên Đế Thần nông là Đế Minh gặp con gái Bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục dung mạo đoan chính, tuổi nhỏ đã thông minh, nhanh nhẹn được Vua cha truyền ngôi cho nhưng không nhận và được phong làm Kinh Dương Vương, cai quản vùng núi phía Nam. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước, dạy cho dân cách cấy cày, cách ăn mặc; nước nhà có thứ tự vua tôi, trên dưới; có luân thường của cha con,vợ chồng. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, ăn ở với nhau sinh hạ ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con; người nào cũng tự lớn, trí dũng song toàn. Khi chia tay 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, Lạc Long Quân đã dặn: Các con khi lên nguồn hay xuống biển có việc thì gắn bó với nhau mà làm,  chớ rời bỏ nhau. Âu Cơ dẫn 50 con đến đất Phong Châu (Bạch Hạc-Phú Thọ), anh em tôn con trưởng lên làm vua, xưng hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang, chia các em ra cai trị các nơi, dưới có chức quan văn võ. Các chức đời đời cha truyền con nối, vua truyền ngôi cho nhau đều lấy hiệu là Hùng Vương chứ không thay đổi. Vua Hùng đóng kinh đô ở Phong Châu ( Bạch Hạc – Phú Thọ).

      Đến đời Hùng Vương thứ 18, vào nửa sau thế kỉ III trước Công nguyên, nhân sự suy yếu của triều đại Hùng Vương, Thục Phán – Một thủ lĩnh người Âu Việt- đã tiến đánh kinh đô Văn Lang, hợp nhất hai bộ tộc  Âu Việt và Lạc Việt tạo nên sự ra đời của nhà nước Âu Lạc, chấm dứt sự trị vì của nhà nước Văn Lang và của 18 đời vua Hùng.

      Tìm hiểu, nghiên cứu về thời đại Hùng Vương theo truyền thuyết lịch sử, chúng ta thấy rằng: Tổ tiên có nếp nghĩ riêng của mình, nhưng đức lớn và lòng thành vẫn ngời tỏa sáng, cụ thể và sâu sắc. Cuộc kì ngộ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ đã nhấn mạnh mối thâm tình của các nhóm thuộc Bách Việt , vốn dĩ tất cả đều chung máu mủ, ruột rà thân thiết. Hết sức sâu sắc lời lí giải cái tâm của tổ tiên về cội nguồn dân tộc: Đi từ trứng nước đi lên và dám định cư ở bất cứ nơi nào, tất cả con Rồng cháu Tiên đều từ một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh ra. Lòng người xưa tỏa sáng mãi những trang hào hùng. Ai trong chúng ta lại không nghĩ đến đồng bào, tình ruột thịt khi bọc trứng Âu Cơ ngàn năm còn đó?

      Nghiên cứu thời đại Hùng Vương về mặt phát triển, chúng ta tự hào về bước nhảy vọt trong thời đại Hùng Vương. Thoát được ra ngoài sự mông muội  trong buổi bình minh của lịch sử, xét về mặt phát triển của xã hội,thời đại này đã đánh dấu giai đoạn xã hội Công xã Nguyên thủy đến mức cực thịnh, khi đã phát minh ra kĩ thuật luyện kim thay thế cho kĩ thuật chế tác đá. Theo “Việt sử lược” và sau đó là “Đại Việt sử kí”, qua những di chỉ đồng thau , khảo cổ học đã xác định được địa bàn hoạt động của người Việt cổ ở khắp nơi trên đất nước ta: Đông Sơn (Thanh Hóa), Việt Khê (Việt Trì); Đồng Đậu, Gò Mun (Vĩnh Phú); Óc To(An Giang), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Nghề nông đã phát triển lên một bước, từ dùng cuốc đã chuyển sang kéo cày bằng trâu bò, đắp đê chống lụt (truyện Thánh Tản Viên ). Cấy lúa tẻ, nếp; gói bánh chưng, bánh dày ( Sự tích bánh chưng bánh dày); phát triển chăn nuôi và đánh cá. Công cụ lao động đã có lưỡi cày, mai, cuốc..kĩ thuật đúc và trang trí rất tinh xảo. Đã xuất hiện 4 loại trống khác nhau ở thời kì này. Người Nguyên thủy đã biết làm nhà để ở, sản xuất và trao đổi phát triển, sản sinh sự giàu nghèo trong xã hội, tuy nhiên lao động vẫn là nghĩa vụ của mọi người. Người dân đã biết dệt vải thô, trang điểm bằng những chuỗi hạt ngọc, hạt đá, vòng đồng, trâm cài đầu bằng vàng, khóa thắt lưng có gắn lục lạc để trang sức, có tục xăm mình để chống giao long. Trong thời kì này chữ viết còn sơ khai được dùng bằng việc thắt nút lại để tính thời gian.

      Đặc biệt nghiên cứu về thời đại Hùng Vương giúp ta nhìn thấy được sự hình thành lãnh thổ và những mầm mống của các tổ chức chính trị của ngày xưa. Truyền thuyết Hùng Vương và các bộ sử đều nói đến việc Hùng Vương chia nước ra 15 bộ, hình thành một lãnh thổ chung liên minh bộ lạc Văn Lang ( của các vua Hùng ) là ngưỡng cửa của một Quốc gia đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Truyền thuyết còn nói đến các tổ chức chính trị đương thời như một vương triều đơn giản: trên có vua Hùng, dưới có tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, dưới nữa là Bồ chính. Điều này chứng tỏ những mầm mống các tổ chức chính trị đã ra đời.

      Tóm lại, với thời đại Đồng thau phát triển chúng ta bước vào thời kì Hùng Vương, thời kì Văn Lang của lịch sử Việt Nam – đây là giai đoạn rất trọng yếu của lịch sử nước ta – chính trong thời kì này đã xây dựng nền tảng dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam; cuộc sống lâu đời và đầy sáng tạo của dân tộc Việt Nam; chúng ta tự hào về tổ tiên của mình, về nền văn hóa của mình. Cuộc sống đó đã nảy sinh ra truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất mà sau này thành tinh thần dân tộc của dân tộc Việt Nam.

      Thời đại Hùng Vương là thời đại đầu nguồn khơi dòng chảy muôn đời cho ý thức dân tộc, đặt nền móng cho văn hóa Việt Nam, mang bản sắc riêng không đổi màu trong biến thiên của lịch sử: Hòa mà không tan, đập mạnh mà không vỡ để dài lâu tạo nên thiêng liêng nhất hai tiếng: “Cội nguồn”.

      Bắt nguồn tự cội nguồn sâu xa ấy, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên một nền văn hiến rực rỡ, một bản lĩnh kiên cường, được trải nghiệm qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Từ nhà nước Văn Lang – Thời đại các vua Hùng – đến nhà nước XHCN Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh, các con cháu Lạc Hồng đã dày công bồi đắp nên truyền thống quý báu: Lòng yêu nước thiết tha, tinh thần đùm bọc, gắn kết cộng đồng, ý chí quyết tâm giữ gìn cơ nghiệp tổ tiên, quyết tâm xây dựng đất nước.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3

      Hướng về cội nguồn dân tộc, hàng năm nhân dân ta lấy ngày 10/3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương; Đặc biệt Quốc hội khóa IX đã quyết định ngày giỗ Tổ HÙng Vương 10/3 âm lịch là ngày Quốc lễ.

      Vinh dự được mang tên Quốc Tổ, nhân ngày giỗ Tổ 10/3 âm lịch hàng năm , thầy trò trường THCS Hùng Vương thành kính tri ân công đức của các vua Hùng, kính dâng lên người sính lễ truyền thống, đó là bánh chưng, bánh dày; đó là hoa thơm, trái ngọt; đó là nén hương thơm; lời ca tiếng hát thể hiện tấm lòng thành kính tưởng nhớ công đức trời biển của Người.

      Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” là con cháu của các vua Hùng, thầy trò trường THCS Hùng Vương nguyện tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, thi đua dạy tốt, học tốt và rèn luyện tốt, quyết tâm xây dựng trường ngày càng đi lên xứng đáng là ngôi trường mang tên Quốc tổ Hùng Vương.
Người đăng bài: Nguyễn Hữu Tài
أحدث أقدم

Bạn nên xem thêm bài này: