Gần đây, việc khám phá di chỉ Tam Tinh Đôi [11] cách Thành Đô 40km (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã hé mở một nước Thục cổ đại có lịch sử từ năm 3000 TCN. Văn minh Thục phát triển rực rỡ, đã hình thành lối quần cư đô thị bề thế hơn cả đỉnh cao triều đại Thương - Ân. Họ là dân tộc đầu tiên của nhân loại biết sử dụng gạch chưa nung để xây nhà cửa, thành quách. Phải chăng họ là nhánh "lên ngàn" của văn minh Thần Nông hoặc một nhánh của đoàn di dân Tiền Đông Nam Á? Sử ký, phần "Truyện Trương Nghi" kể rằng Tần Huệ Vương đã nghe lời Tư Mã Thác đánh Thục, truất phế Thục Vương làm chức Hầu. Như vậy hoàn toàn có khả năng Thục Hầu và nhân dân Thục muốn tránh nhà Tần bạo ngược đã lên đường lưu vong. Đoàn người đi về phương Nam tạo nên cộng đồng Khương, sau này bị nhà Hán lấn tiếp, họ theo dòng Cửu Long đến vùng đất Campuchia ngày nay và góp phần xây dựng nên nền văn minh Khơ Me kiêu hùng. Đoàn người đi về hướng đông dừng chân ở vùng giáp ranh tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, lập nên nước Tây Âu Lạc. Chương "Nam Việt Úy Đà liệt truyện" của Sử Ký chép về nước Tây Âu Lạc này rất rõ, nhiều sử gia không liên hệ được sử liệu đã mạnh dạn nghĩ Tư Mã Thiên viết nhầm Âu Lạc thành Tây Âu Lạc!

Sau khi gồm thâu lục quốc nhất thống Trung Nguyên, năm 214 TCN Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem 50 vạn quân và dân ô hợp vượt Ngũ Lĩnh, đánh Bách Việt chiếm lấy vùng đất phía đông nam nước Tần rồi lập ra các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Nước Tây Âu Lạc của Thục Phán nằm trong Tượng Quận. Nước Văn Lang Phong Châu phía nam Tượng Quận,  hoàn toàn không dính dáng đến cuộc chiến kia. Nhân dân Tây Âu Lạc không chịu làm nô lệ đã vào rừng kháng chiến và kết quả là đã giết được Đồ Thư.

Sách sử Việt Nam và Trung Quốc đều ghi nhận sơ sài Triệu Đà người huyện Chân Định (nay thuộc Hà Bắc, TQ). Không ai xét sâu hơn Chân Định vốn là đất Triệu thời chiến quốc. Sử Việt chép theo sử Trung Quốc, còn sử Trung Quốc tuân thủ tư tưởng đại nhất thống của triết học Tiên Tần (khởi đi từ Khổng Tử, với nguyên ủy "Tôn Chu nhương Di, nội chư Hạ nhi ngoại Di địch") nên xóa hẳn các tên gọi của Tam Tấn. Tần Đại Đế áp dụng thành công tinh hoa nhân đạo của triết học Tiên Tần, đã chấm dứt vĩnh viễn cảnh chiến quốc nồi da xáo thịt. Tần Thủy Hoàng ra đời tại kinh đô Hàm Đan nước Triệu. Mẹ Triệu Cơ của ông, được Sử Ký ghi nhận là con nhà tai mắt tại đấy. Khi cha ông theo Lã Bất Vi trốn về Tần, mẹ con Tần Thủy Hoàng phải ẩn mình trong dân chúng Triệu và chịu nhiều cảnh cơ cực. Sau khi Trung Nguyên nhất thống, người Triệu lại phải họa đi xây Trường Thành, họ căm tức vua Tần nên bịa chuyện dè bỉu Tần Thủy Hoàng là con hoang của Triệu Cơ và Lã Bất Vi. Dân gian còn đem cả nàng Mạnh Khương gần hai trăm năm trước từ nước Tề đến khóc bên Trường Thành để trù úm đại công nghiệp của Tần Đại Đế. [12] Sẵn ác cảm cũ, vua Tần bắt rất nhiều con dân cứng đầu cứng cổ ở Triệu xung vào đạo quân viễn chinh của Đồ Thư. Triệu Đà ở trong số đó. Sau này cháu Triệu Đà là Minh Vương Anh Tề làm con tin ở Trường An cũng thành thân cùng một người con gái nước Triệu (Sử Ký viết là người huyện Hàm Đan). Bà ta chính là Cù hậu, do làm nội ứng cho nhà Hán chiếm Nam Việt, nên đã bị thừa tướng Lữ Gia giết. Những người Triệu bị đày tập trung tại quận Nam Hải thời đó đã quần cư và tạo thành nhóm dân tộc nhỏ mang tên Triều Châu, phía đông bắc tỉnh Quảng Đông Trung Quốc hôm nay.

Năm 208 TCN Triệu Đà thành lập nước Nam Việt. Hán Cao Tổ bình định xong Trung Nguyên không còn sức giải quyết Nam Việt, nên năm 196 TCN đành phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương, và dặn Nam Việt phải hòa hợp với Bách Việt. Khi Cao hậu tiếm quyền, Trường Sa Vương cấm vận kinh tế Nam Việt hòng làm Nam Việt suy yếu để dễ bề xâm lăng. Triệu Đà lập tức đem quân đánh Trường Sa, cắt đứt đường thông thương với nhà Hán và chốt giữ các nơi hiểm yếu. Cao Hậu sai Lâm Hi Hầu hỏi tội Triệu Đà, chiến cuộc biên cương giằng co hơn một năm rồi nhà Hán bãi binh vì đám tang Cao Hậu.

Rảnh tay với Hán, Triệu Đà dùng tiền của đút lót quý tộc Tây Âu Lạc và Mân Việt để hai nước này chịu lệ thuộc. Sự kiện Trọng Thủy kết hôn với Mỵ Châu chắc chắn ghi nhận thỏa hiệp dễ dãi của những người lãnh đạo Tây Âu Lạc trước âm mưu của Triệu Đà. Trận chiến đánh vào lòng người toàn thắng, năm 179 TCN Triệu Đà tấn công và sát nhập Tây Âu Lạc vào Nam Việt. Từ đó Nam Việt rất rộng lớn, Triệu Đà đường hoàng tự xưng Nam Việt Vũ Đế, đi xe mui lụa vàng như vua Hán. Triệu Đà người Hoa Bắc chỉ quen đánh nhau trên bộ, cho nên không thể tồn tại khả năng ông ta đã tấn công An Dương Vương tại đồng bằng sông Hồng. Mãi đến đầu công nguyên đường bộ khai thông Hoa Nam và Bắc Việt mới hình thành bởi người Hán lưu vong tránh họa Vương Mãng, tuy vậy chắc chắn đường rất khó đi nên đoàn quân của Mã Viện mới phải dùng thuyền.

Một bộ phận nhân dân Tây Âu Lạc, những con người bất khuất từng giết Đồ Thư, đã đem tàn quân và bầu đàn thê tử chạy đến châu thổ Hồng Hà. Tôi nghĩ có một nhánh nhỏ người Tây Âu Lạc ra đi bằng thuyền đã ghé vào bờ biển trung bộ Việt Nam. Họ trở thành hạt nhân của nền văn minh Chàm bắt đầu khởi sắc từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Những liên hệ Thục - Khơ Me - Chàm trong bài viết này chỉ thuần lý thuyết, trên cơ sở nghiên cứu văn bản và hình ảnh, nhưng tôi tin đô thị sơ khai Cổ Loa, cách dùng gạch chưa nung của người Khơ Me và người Chàm chắc chắn có dấu ấn văn minh Thục cổ đại.

Người Tây Âu Lạc và người Lạc Việt ở Văn Lang Phong Châu thực ra rất gần gũi về chủng tộc (các nhóm di dân Tiền Đông Nam Á) và có thể cả ngôn ngữ nữa. Nhóm dân Tây Âu Lạc mất nước nhanh chóng hòa hợp cùng nhân dân bản xứ trên mảnh đất bắc Việt, cải tên nước là Âu Lạc. Họ nối các gò đất, đồi nhỏ thành hai vòng đê ngăn thủy triều và nước lụt tại Cổ Loa, Đông Anh và quần cư trong ấy. Hai vòng đê cũng có thể trở thành chiến lũy, tường thành chống ngoại xâm khi cần. Đến năm 43, Mã Viện củng cố hai vòng ngoài và xây thêm vòng thành nhỏ thứ ba ở giữa để tạo nên Kiển Thành. Độ cao của dấu vết tường thành Cổ Loa xưa xấp xỉ cao độ các con đê hai bờ sông Hồng, sông Đuống xung quanh, xác tín giả thiết Cổ Loa vừa là đê vừa là thành lũy.

Rút kinh nghiệm xương máu ở Tây Âu Lạc, người Âu Lạc tạo dựng quan hệ ngoại giao mềm dẻo với Nam Việt để yên ổn sinh sống và làm ăn. Năm 111 TCN Nam Việt bị Lộ Bác Đức xóa tên khỏi bản đồ. Nhà Hán cho người sang thuyết phục Âu Lạc theo mình, với chính sách rất thâm độc là để quí tộc Âu Lạc tiếp tục quản lý những vùng đất của họ. Lãnh tụ Âu Lạc phản đối, tùy tướng của ông ta là Hoàng Đồng đã lật đổ vua, quyết định thuần phục nhà Hán trên danh nghĩa để tránh chiến tranh. [13]

Năm 110 TCN nhà Hán phong tước cho Hoàng Đồng, Thạch Đái được cử sang làm Thứ sử quận Giao Chỉ, phủ trị ở Long Uyên. Với sự giúp sức của Hoàng Đồng, Thạch Đái ủy lạo và hợp thức hóa danh vị Lạc Hầu, Lạc Tướng bằng ấn đồng đeo cổ. Chắc chắn mục đích tối thượng của Thạch Đái là âm thầm chia rẽ các liên minh của quí tộc Âu Lạc, không cho Lạc Hầu, Lạc Tướng có cơ hội đoàn kết xây dựng nhà nước chống xâm lăng. Từ Thạch Đái trở đi, phủ trị Long Uyên vẫn tồn tại nhưng chức Thứ sử, Thái thú đôi khi khiếm khuyết và quan trấn nhậm cũng chẳng thường xuyên có mặt. Thực ra Hán triều thừa biết ở thời điểm đó cai trị trực tiếp Âu Lạc là không tưởng, vì quân ít, thủy thổ khắc nghiệt và chắc chắn người Âu Lạc sẽ chống đối đến cùng. Lịch sử Trung Quốc cũng ghi nhận sự mệt mỏi của nhà Hán sau những năm dài xâm lược phương nam, nhiều thân vương, đại thần dâng tấu chương đề nghị vua Hán tạm chấm dứt nam tiến. Thậm chí có thời gian dài họ bỏ hẳn, chẳng ngó ngàng gì đến đảo Hải Nam đã chiếm được hoàn toàn năm 111 TCN.

Tuy vậy trong hệ thống hành chính Hán, nước Âu Lạc vẫn được chia làm 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc Giao Chỉ Bộ. Trung tâm hành chính của Giao Chỉ Bộ là Nam Hải tức Phiên Ngung, kinh đô cũ của Nam Việt. Xin lưu ý Bộ Giao Chỉ và Quận Giao Chỉ là hai tên gọi khác nhau. Sử gia Việt Nam đã nhiều lần nhầm lẫn, họ suy luận tên Quận đặt cho tên Bộ thì hiển nhiên Quận Giao Chỉ phải là trung tâm của Bộ Giao Chỉ. Giao Chỉ mang nghĩa là nơi liên giao giữa Trung Hoa và những khu vực phía nam mà họ chưa có ý niệm rõ ràng. Bộ Giao Chỉ là mảnh đất liên giao của nhà Hán với Viễn Nam, Quận Giao Chỉ lại là mảnh đất liên giao của Bộ Giao Chỉ với các miền xa khác. Theo tôi chuỗi luận để đặt tên Quận Giao Chỉ và Bộ Giao Chỉ là như vậy. Cũng cần hiểu rằng năm 111 TCN  kiến thức địa lý của nhà Hán về Quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và vùng phụ cận rất mơ hồ. Thời Chu còn có từ "Đông Giao" để chỉ vùng đất phía đông xa xôi. Do đó Giao Chỉ thời Chu chưa chắc là Giao Chỉ thời Hán. Nhiều bộ cổ sử Việt Nam dẫn sách Thượng Thư và Sử Ký ghi nhận năm Tân Mão đời Thành Vương (1063 đến 1026 TCN) có Việt Thường Thị phía nam Giao Chỉ đem bạch trĩ cống vua Chu. Xét lãnh thổ nhà Chu lúc ấy, có khả năng Giao Chỉ chính là vùng trung lưu Trường Giang. Vậy Việt Thường Thị chắc hẳn thuộc liên minh thị tộc mẫu hệ Văn Lang Động Đình Hồ. An Nam Chí Lược của Lê Tắc viết: "Nhà Tần lấy Giao Chỉ làm Tượng Quận". Hiểu theo nghĩa Giao Chỉ đã nói thì vùng đất Quảng Tây Trung Quốc thời Tần chính là Giao Chỉ. Khi nhà Tần bành trướng xong Tượng Quận, hiểu biết ngọn ngành về Tượng Quận thì Giao Chỉ dịch chuyển xuống đồng bằng sông Hồng, phía nam Tượng Quận.

Nước Âu Lạc vĩnh viễn đi vào quá khứ. Văn minh đô thị mới nhen nhóm ở Cổ Loa đã lụi tàn vì người gốc Thục chia rẽ và mau chóng tự đồng hóa mình với cư dân bản xứ. Đặt giả định Âu Lạc là một nhà nước hoàn thiện, con người Âu Lạc có ý thức sâu sắc về quốc gia và từng bị Triệu Đà thôn tính bằng quân sự (như quan niệm của sách vở chính thống Việt Nam lâu nay), ta sẽ thấy diễn biến lịch sử ôn hòa từ năm 111 TCN đến năm 34 là không bình thường.

Sau cả thế kỷ ổn định và phát triển trong nước, xã hội Hán cuối cùng cũng có những thay đổi về chất và lượng, bắt đầu manh nha công cuộc cải cách lớn của Vương Mãng. Đầu công nguyên, lòng tham của vua Hán sống dậy, lập tức Nhâm Diên và Tích Quang được cử sang quận Giao Chỉ và Cửu Chân tiến hành những chính sách mị dân, nhằm thăm dò tiềm lực thuộc địa cũng như khả năng phản kháng của nhân dân nếu áp đặt cai trị trực tiếp. Công việc bọn này chưa xong thì Vương Mãng tiếm ngôi, Trung Nguyên hỗn loạn. Thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân không thuần phục Vương Mãng, cắt đứt liên lạc với trung ương, chào đón dân Hán di cư để tạo vây cánh. Ít lâu sau Lưu Tú diệt được Vương Mãng, thành lập nhà Đông Hán. Năm 29 Đặng Nhượng (người thay Nhâm Diên làm thái thú Giao Chỉ) về triều cống Lạc Dương, có lẽ âm mưu cũ đã được Quang Vũ đế cân nhắc. Năm 34 Tô Định nhậm chức Thái thú Giao Chỉ và bắt đầu áp dụng chế độ kềm kẹp hầu mong biến mảnh đất Âu Lạc hôm nào thành miếng bánh ngon trên bàn tiệc thực dân. Dưới sức ép mới, nhân dân Giao Chỉ đã nổi dậy. Mê Linh liệt nữ thất bại trước Mã Viện chính thức biến Giao Chỉ và Cửu Chân thành quận huyện trực trị của nhà Hán, mở đầu kỷ nguyên 800 năm nô lệ cay đắng.

Ngoài trọng trách thực dân, Mã Viện phải gánh vác nhiệm vụ dựng cột đồng "chuẩn" ở Giao Chỉ và Nhật Nam để đo bóng mặt trời vào những ngày giờ nhất định trong năm. Từ số liệu ấy, người Tàu sẽ định được vị trí chính xác của Giao Chỉ và Nhật Nam, bổ xung vào địa đồ nhà Hán. Có thể Mã Viện đã bỡn "đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt", song không ngoài mục đích giấu giếm bí quyết khoa học thiên văn địa văn của dân tộc mình dưới màn sương hư ảo. Trường hợp Cao Biền sau này dễ hiểu hơn, ông ta sử dụng thuốc nổ phá gềnh thác hiểm trở cho tàu bè qua lại, nhưng bịa đặt đã dùng phép thuật sai thiên lôi hành sự. Nhà Hán mất 154 năm từ lúc dụ Âu Lạc phụ thuộc đến khi vẽ xong địa đồ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và áp dụng chế độ trực trị đến huyện sở. Cách tính 800 năm thực sự bắc thuộc của tôi là có căn cứ (đã bớt ra vài đoạn gián cách người Việt giành được độc lập như thời Lý Nam Đế và Khúc Thừa Dụ).
Previous Post Next Post

Bạn nên xem thêm bài này: