Ý nghĩa ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương 10 -3 là gì ?
Từ ngàn xưa, trước khi tam giáo Nho, Lão, Phật thâm nhập vào nước Việt Nam, dân tộc ta đã có “Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên”, tồn tại đến ngày nay và mãi mãi ngàn sau.
Ý nghĩa ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương 10 -3 là gì ?

Người Việt chúng ta không những có lễ Gia tiên  tức là “Lễ Cúng Ông Bà” vào dịp Tết ta mỗi năm, mà lại còn có lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương nhằm ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, chung cho toàn thể đồng bào trong cũng như ngoài  nước.
Chúng ta thử dùng Dịch lý căn bản để phân tích đặc trưng ý nghĩa đa dạng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo Dịch lý thì số lẻ là dương, số chẵn là âm. Ở cấp căn bản, Dịch chỉ dùng các số từ 0 đến 10. Số 0 là chẵn, số 1 là lẻ. Vậy số 10 là hoàn toàn  nhất vì hội đủ cả hai yếu tố âm dương.

Số 10 tượng trưng cho âm dương  hoà đồng, theo tinh thần “Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà” (Luận ngữ) (Người quân tử đồng ý mà chẵng a-dua, kẻ tiểu nhân a-dua mà chẳng đồng ý). Thành thử ra 3 là lẻ, mà 10 là chẵn, ngày mùng 10 tháng 3 cũng hội đủ cả hai yếu tố âm dương. Hơn nữa, tháng 3 (Cung Thìn) là tháng Rồng, Rồng có thể sống trong bốn trạng thái vật lý của vật thể : thể rắn, thể lỏng, thể hơi và thể plasma (thể khí ở nhiệt độ vô cùng cao mà ta gọi là lửa rực), Rồng có liên hệ gốc gác Con Rồng Cháu Tiên. Theo tài liệu mới in năm 1993 thì vua Hùng Quốc Vương băng hà ngày 12-3 âm lịch. Các triều vua nhà Nguyễn qui định lễ dâng hương ngày mùng 10 tháng 3, còn ngày truyền thống  để các địa phương tổ chức Lễ Giỗ từ 11-3 đến 13-3 âm lịch.
Mỗi năm, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch người Việt Nam chúng ta cử hành ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, người bình dân thường quen gọi là  Ngày Hội Đền Hùng. Ca dao có câu:

Ai về Phú Thọ cùng ta,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba  mùng mười

Trước khi nhắc  đến và tìm hiểu truyền thuyết Quốc Tổ Hùng Vương, chúng tôi xin nói đến vị trí đền Hùng. Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được xây dựng trên  Hùng Sơn còn gọi núi Hùng, núi Hy Cương, núi Nghĩa Lĩnh, núi Cả cao chừng 175 mét so với mặt nước biển, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao,tỉnh Phú Thọ (nay là Vĩnh Phú) cách Hà Nội hơn 60 km đường chim bay, nhưng đi đường bộ hay đường xe lửa là 90 km. Núi Nghĩa Lĩnh có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nên người địa phương thường gọi là núi Đền.

Từ chân núi, có khoảng bốn trăm bực xây đưa lên đến đỉnh. Ở chân núi đường dốc thoai thoải đến cổng đền cao 8 mét (mới tu bổ lại năm 1917), bước lên 225 bậc thì đến đền Hạ cũng gọi là đền Giếng thờ hai bà công chúa Tiên Dung và Ngọc Dung, con của một vua Hùng.

Bước thêm 168 bậc nữa là đến đền Trung, trước đền Trung ở lưng chừng núi, có một tấm bia lớn nét chữ còn rõ, nhắc lại lịch sử của các đời vua Hùng. Trong rừng núi nơi đây có một loài chim mà tiếng kêu phát lên những cung bậc lạ lùng  khắc khoải khác thường, gợi ta nhớ biết bao những anh hùng ngàn thu trước, nhớ đến bao lần hưng  thịnh của dân tộc  ta.

Trong thời khởi nghĩa chống đô hộ Pháp, người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang cũng đã leo những bực đá nầy để lên đền, trước bàn thờ Tổ “Nguyện thề đồng sinh đồng tử”.

Trèo thêm 102 bậc nữa lên đỉnh núi là đến đền Thượng, thờ mười tám Đức Hùng Vương, phía trước có bức hoành phi lớn có khắc 4 chữ, tôi nhớ mài mại là “ Việt Nam Triệu Tổ” nét chữ hùng kính. Nơi đây có một đôi câu đối do đoàn sinh viên trường Đại Học Hà Nội cúng vào đền Tổ (theo học giả Nguyễn Hiến Lê):

Con cháu ba kỳ thăm mộ Tổ  
Non sông muôn thuở rạng nòi Tiên.

Việc lập đền thờ Đức Hùng Vương đã có từ xa xưa qua các triều đại đều chuẩn y, nhất nhất theo lệ cũ, phụng sự Quốc Tổ bền lâu. Ngày nay, nơi chánh Điện Đền Hùng có treo bức hoành phi: “Vi Bách-Việt tổ” (là tổ của Bách Việt)

         Ba toà chót vót đầu non,
         Ngàn năm sùng bái vẫn còn khói hương . 

Hãy để lại ý kiến của bạn

Previous Post Next Post

Bạn nên xem thêm bài này: