Nam Giao sẽ đẻ ra khái niệm Giao Chỉ. Thật vậy, Giao Chỉ với chữ Chỉ có bộ phụ mang nghĩa là vùng đất, khu vực. Giao Chỉ là vùng đất tiếp giáp, vùng biên cương vương triều ở về phía nam của địa danh Nam Giao. Chữ Chỉ ngoài bộ phụ, còn có một chữ Chỉ nữa đồng âm nhưng bộ Túc (bàn chân). Sự nhầm lẫn giữa hai chữ Chỉ này góp phần khiến cho nhiều sử gia từ Đông Hán trở về sau có rất nhiều cách giải nghĩa Giao Chỉ. Trần Thư, một bộ sử do Diêu Tư Liêm viết năm 636 đã lần đầu tiên ghi thêm một chữ Chỉ nữa với bộ Thổ (đất) trong từ Giao Chỉ. Cổ văn Trung Hoa có qui tắc "đồng âm thông giả", tức những chữ đồng âm đều có thể mượn và sử dụng lẫn lộn. Khi tìm nghĩa một chữ phải vận dụng ngữ cảnh đang xét chứ không thể máy móc giữ nghĩa chết của chữ ấy trong những tài liệu khác ít liên hệ.
Thượng Thư, tương truyền do Khổng Tử san định, là quyển sách đầu tiên nói đến Giao Chỉ, phần Đại truyện ghi: "Phía nam Giao Chỉ có Việt Thường quốc, đời Thành Vương (1063 TCN - 1026 TCN) họ qua 3 lần phiên dịch đến giao hảo và hiến tặng chim Trĩ". Thượng thư còn được giải thích là sách trời. Đây chính là lý lẽ của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà thời Lý:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Người Việt không còn lưu được quyển sử nào vào thời Lý, song chỉ qua bài thơ trên cũng thấy rõ quan niệm họ cho rằng mình là hậu duệ của Việt Thường quốc phía nam Giao Chỉ. Bởi Giao Chỉ không hề được Thượng thư xem là một quốc gia. Chắc chắn Lý Thường Kiệt hiểu Giao Chỉ đơn giản là một khái niệm nên mới cho lưu truyền bài thơ đó nhằm khích lệ tinh thần vệ quốc của quân dân.
Từ Nghiêu - Thuấn đến đầu triều Chu lãnh thổ Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua dòng Trường Giang. Thiên Vũ Cống của Thượng Thư nhắc đến cương vực vương quốc gồm cả bờ nam Trường Giang, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nội dung của Vũ Cống bị điều chỉnh rất nhiều và thậm chí có thể được viết vào thời Chiến Quốc chứ không thể xa hơn. Do đó không cần vị trí chính xác của Nam Giao vẫn biết được khái niệm Giao Chỉ mô tả vùng đất tiếp giáp Nam Giao, nằm bên bờ bắc trung lưu Trường Giang. Giả dụ có địa danh Giao Chỉ, từ Đông Chu trở đi, việc nước Sở hình thành và bành trướng về phương nam ắt phải xuyên qua Giao Chỉ và địa danh Giao Chỉ phải được nhắc đến không dưới một lần trong rất nhiều sách sử có nói về nước Sở.
Chuỗi luận này sẽ đưa ra một câu hỏi hết sức bất ngờ: "Phải chăng đất Sở, mảnh đất mà Chu Thành Vương phong cho Dịch Hùng chính là một phần của vùng Giao Chỉ thời ấy?" Đoạn đầu An Nam Chí Lược, Lê Tắc có dẫn quyển Hán Quan Nghi của Ứng Thiện chép rằng trước tiên Trung Quốc mở mang từ Sóc (phương bắc) rồi tiến sang phương nam lấy làm Cơ Chỉ. Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên cũng viết Giao Chỉ là Cơ Chỉ (cơ sở) mà Hán Vũ Đế mở mang cho con cháu (sẽ dẫn kỹ lưỡng ở bên dưới). Cơ Chỉ đồng nghĩa với Cơ Sở. Chữ Sở trong từ Cơ Sở chỉ khác tên nước Sở ở bộ Thạch nằm bên trái. Theo qui tắc "đồng âm thông giả" thì đất Sở mà Thành Vương phong cho Dịch Hùng chính là Cơ Sở của nhà Chu, là Cơ Chỉ của nhà Chu và là một phần Giao Chỉ (vùng đất phía nam đang khai phá) của vương triều Chu. Hùng Dịch đến Đan Dương lập quốc, nơi đó hôm nay nằm ở bờ bắc Trường Giang, thuộc tỉnh Hồ Nam.
Tại Nam man truyện trong Hậu Hán Thư, sau khi nhắc đến ghi chép về Việt Thường quốc ở Thượng Thư đại truyện, Phạm Việp nói tiếp: "Nhà Chu suy, đến lúc Sở xưng bá thì Bách Việt triều cống Sở". Lôgic ở đây là Việt Thường quốc nằm trong Bách Việt. Nước Sở còn được gọi là nước Kinh. Người Sở có dòng máu Việt. Từ ngày Hùng Thông, hậu duệ của Dục Hùng tiếm đoạt vương hiệu, Trung Quốc luôn coi nước Sở là man di. Không còn trong vòng cương tỏa của triều đình Đông Chu nữa, nước Sở bành trướng ra mãi và có thời làm chủ các chư hầu phương đông. Đó là lý do khái niệm Giao Chỉ bị mất tích trong một thời gian rất dài. Và đó cũng là lý do sử sách Trung Quốc khuyết đi những mô tả chi tiết về Việt Thường quốc và nhiều vùng khác thuộc Bách Việt từ Xuân Thu đến cuối Chiến Quốc. Sử nước Sở, sử của man di không đáng gọi là chính sử để truyền bá nên hầu hết đã bị nhà Tần đốt hoặc thất truyền.
Khi Tần diệt Sở, nước Sở bị gộp vào Trung Nguyên, khái niệm Giao Chỉ không thấy xuất hiện. Sử Ký, Nam Việt úy Đà liệt truyện, viết: Năm 214 TCN quân Tần cướp Dương Việt đặt 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Quế Lâm và Nam Hải khá rõ ràng, duy Tượng Quận đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực mà hai ngàn năm nay người ta chưa rõ nó ở đâu. Cũng vì nhà Tần quá ngắn ngủi, chiến tranh sau đó làm sách vở tiêu tán gần hết. An Nam chí lược của Lê Tắc bảo: "Nhà Tần lấy Giao Chỉ làm Tượng Quận".
Một khi khái niệm Giao Chỉ bị xếp lại, hẳn nhiên phải có một khái niệm khác thay thế. Phải chăng đó là Tượng? Để mô tả thứ nào đó trừu tượng người ta hay dùng phép tượng trưng. Giai thoại "Thầy bói mù xem voi" đã mượn con voi nhằm nói về sự trừu tượng. Tôi chưa thể giải quyết thấu đáo vấn đề chữ Tượng như một khái niệm mới thay thế Giao Chỉ do không tìm được nhiều dẫn chứng thoả đáng. Tuy nhiên nếu tạm chấp nhận thời Tần Giao Chỉ là Tượng Quận, tiếp theo Tượng Quận là Nhật Nam sẽ hoàn toàn hợp lý, ít nhất là với tư duy ngôn ngữ trong giới hạn kiến thức địa lý xưa kia. Thậm chí chúng ta có thể bỏ qua chữ Tượng để đi đến từ Nhật Nam, như sự thay thế từ Giao Chỉ.
Nhật Nam nghĩa là phía nam mặt trời. Sử ký viết: "Đất đai (nước Tần)... phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc". Cũng như từ Giao Chỉ, Nhật Nam ban đầu chỉ là khái niệm và có liên quan đến thiên văn. Phần lớn đất nước Trung Quốc ở trên Bắc Chí Tuyến (vĩ độ 23 độ 27 giây, ngang qua thành phố Quảng Châu), do đó mặt trời với họ luôn ở về phía nam, mọc phương đông nam và lặn phương tây nam. Rõ nhất trong ngày Đông Chí đêm dài ngày ngắn, mặt trời lẩn quẩn hẳn về phía nam. Vì vậy khi tế trời (cúng mặt trời) thiên tử phải quay mặt về phương nam. Có lẽ muộn nhất là thời Tần, người Trung Quốc đã biết trái đất hình tròn và tự quay quanh trục của nó. Họ tính được quĩ đạo mặt trời (hoàng đạo) và suy luận rằng đi về phía nam đến một nơi nào đó, muốn nhìn thấy mặt trời, muốn hưởng sự ấm áp của ánh nắng, con người phải làm nhà quay mặt về hướng bắc.
Tư Mã Thiên viết câu trên chứng tỏ ngành thiên văn biết vậy nhưng sự thực người Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân đến vùng Nhật Nam. Theo đúng nghĩa thì Nhật Nam xa lắm, vượt qua xích đạo và Nam Chí Tuyến, ở tận các đảo phía nam Indonesia, Papua New Guinea và Úc Châu hôm nay.