Thời điểm dừng lại bên dòng Trường Giang, đoàn di dân Tiền Đông Nam Á đã tạo nên một không gian văn hóa và chủng tộc gần gũi khá rộng lớn: phía nam là đồng bằng sông Cả, sông Mã (Việt Nam hôm nay), phía tây cận cao nguyên Tây Tạng, phía đông giáp biển Thái Bình Dương. Tôi tạm gọi đây là văn minh Thần Nông.
Thổ nhưỡng và khí hậu tổng thể của khu vực quy định một số đặc điểm của nền văn minh này: sinh sống bằng nghề nông mà chủ yếu là trồng lúa nước, thuần hóa trâu bò làm sức kéo; nghiên cứu thiên văn lịch pháp phục vụ mùa màng, làm thủy lợi; dùng cây cỏ chữa bệnh và khai sinh Đông Y; sử dụng thành thạo ghe thuyền, đánh cá, khai thác thủy sản; họ ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình, cắt tóc ngắn, cài nút áo bên trái...

Văn minh Thần Nông phát triển đều đặn, có nhiều thành tựu nhưng lưu cữu hai khuyết điểm rất lớn: không tạo ra được chữ viết (hay ít ra là thứ ký tự phổ thông, tiện dụng); do đời sống tự cung tự cấp gắn chặt với lao động trên ruộng lúa nước nên bảo thủ, dẫn đến mất cơ hội đột phá chấm dứt chế độ mẫu hệ. Hệ quả là nền văn minh Thần Nông tồn tại rất lâu ở dạng thị tộc, bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc, chậm vươn đến hình thức nhà nước sơ khai.


Sau một thời gian phát triển tại chỗ, những con người của văn minh Thần Nông đủ sức vượt dòng Trường Giang. Họ tiến lên phía bắc, giao tiếp với văn minh Hoa Hạ cũng đang trên đường xuôi về phương nam. Xin hiểu sự giao tiếp này bao gồm cả những tranh chấp, và không thể không có xung đột. Thần thoại Trung Quốc kể chuyện Hoàng Đế đánh nhau với Suy Vưu (con cháu Thần Nông) nói lên điều đó.

Văn minh Hoa Hạ và văn minh Thần Nông tiếp xúc nhau ở khoảng giữa hai lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang, đã góp phần tạo nên một nền văn minh bắt đầu có hiến sử là văn minh Trung Nguyên - Hoa Hạ (Trung Hoa). Văn minh Hoa Hạ sẵn có phần bổ khuyết khuyết điểm của văn minh Thần Nông. Nó hấp thụ tất cả tinh túy của văn minh Thần Nông để lớn mạnh vượt bậc, rồi quay ra chèn ép chính thân sinh Thần Nông của mình. Song nó cũng thu nhận hình ảnh Thần Nông vào hệ thống huyền thoại Tam Hoàng, Ngũ Đế mô tả thời khởi thủy của mình. [7] Cái tên Trung Quốc bắt đầu sinh ra từ đây. Nguyên thủy, nó mang nghĩa quốc gia ở giữa thiên hạ vì kiến thức đương thời chỉ mới biết hai nền văn minh, hai chủng tộc lớn là Thần Nông và Hoa Hạ. Chỉ một phần đất đai của văn minh Thần Nông hòa nhập với văn minh Hoa Hạ. Phần lớn còn lại vì trải trên địa bàn quá rộng, rải rác suốt bờ Trường Giang, đặc biệt là phía nam Trường Giang, vẫn tách biệt, đây chính là vùng Bách Việt, như cách gọi của người Trung Hoa sau này.

Thành công rực rỡ nhất của cuộc liên giao Thần Nông và Hoa Hạ biểu hiện ở nhà nước Sở đông đúc, rộng lớn, giàu có và tiến bộ, từng làm bá chủ chư hầu đe dọa vương triều Thần Chu (chỉ còn là hình thức sau khi nước Sở ra đời). Sở cũng là nước kế cuối trong lục quốc bị Tần thôn tính sau này, bằng rất nhiều binh lực và xương máu, dù Sở giáp ranh với Tần. Tuy vậy, chưa đầy 13 năm sau khi mất nước, một vị anh hùng có tiền nhân đời đời làm tướng nước Sở là Hạng Vũ, đã đứng lên lấy danh nghĩa phục Sở tiêu diệt nhà Tần, chia đất cho thiên hạ và tự xưng là Tây Sở Bá Vương. Năm 202 TCN Hạng Vũ bại vong trước Lưu Bang. Cao Tổ nhà Hán cũng là người nước Sở. Lịch sử bi hùng của nước Sở tồn tại hơn 500 năm đã vĩnh viễn khép lại.

Lịch sử nước Sở bắt đầu bằng việc Thành Vương phong tước Tử của nhà Chu cho Mị Dục Hùng, [8] ở vùng biên viễn phía nam vương quốc Chu. Dục Hùng vốn từng lập công với nhà Chu. Đến đời Hùng Thông, hậu duệ của Dục Hùng (khoảng đầu thời Đông Chu, dưới ngai Hoàn Vương năm 719 đến 697 TCN), nước Sở đã tiêu diệt và sáp nhập rất nhiều lân bang và bành trướng đến vùng Trường Giang. Dù không được Hoàn Vương chấp nhận, Hùng Thông vẫn tự xưng là Sở Vũ Vương và làm chủ các nước chư hầu ở phương đông. Hùng Thông mất, con là Hùng Si nối ngôi cùng các vương triều tiếp theo mở rộng nước Sở xa dần về hướng đông nam, vượt qua dòng Trường Giang hùng vĩ.

Previous Post Next Post

Bạn nên xem thêm bài này: